VBA và Viện ABAII đã giới thiệu các giải pháp Blockchain và AI cho hơn 200 cán bộ Bình Định, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.
Ngày 14/11/2024, hơn 200 cán bộ và lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tham dự hội thảo khoa học “Ứng dụng Công nghệ lõi – Động lực phát triển kinh tế số”, do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức. Sự kiện tập trung vào việc giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Blockchain và AI, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa dữ liệu và phát triển nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.
Ông Trương Quang Phong, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhận định, Thế giới đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số. Bình Định có cơ hội và tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ cao thông qua sự đầu tư của các khu công nghiệp và trung tâm trí tuệ nhân tạo. Tỉnh có thể “đi tắt đón đầu” các xu hướng công nghệ tiên tiến như AI, Blockchain, NFT, Machine Learning và Metaverse.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số của Viện ABAII, và ông Lê Anh Quốc, chuyên gia công nghệ từ VBA, đã trình bày về sự phát triển và những ứng dụng quan trọng của Blockchain và AI. Cả hai chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp cụ thể để áp dụng các công nghệ này vào việc thúc đẩy kinh tế số tại Bình Định.
Ông Lê Anh Quốc cho rằng Blockchain không chỉ giúp tự động hóa các quy trình hành chính mà còn tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý dữ liệu. Ông dẫn chứng về hệ thống eID tại thành phố Zug, Thụy Sĩ, nơi 42% dân số địa phương ủng hộ việc sử dụng giải pháp eVoting dựa trên Blockchain, cho phép bỏ phiếu trực tuyến với tính bảo mật và minh bạch cao. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế này, ông Quốc gợi ý ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực quan trọng tại Bình Định, như truy xuất nguồn gốc nông sản, cấp phát chứng chỉ giáo dục tại Đại học Quy Nhơn, hay quản lý hành chính công.
“Bình Định với lợi thế tiếp cận công nghệ cao từ sớm có thể phổ cập Blockchain rộng rãi từ cấp lãnh đạo đến người dân, thông qua mô hình chuyên gia hỗ trợ người biết ít và người biết ít hướng dẫn người chưa biết. Đây là bước đi giúp tỉnh trở thành hình mẫu trong ứng dụng công nghệ lõi”, ông Quốc chia sẻ.
Ông Quốc cũng đưa ra một số đề xuất như xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – sandbox để các doanh nghiệp tại Bình Định có thể triển khai các giải pháp mới một cách an toàn trước khi đưa vào thực tế. Điều này không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn khuyến khích các sáng kiến đổi mới, từ đó thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số tại địa phương.
Không chỉ dừng lại ở Blockchain, AI cũng được xem là công cụ chiến lược song hành trong chuyển đổi số. Ông Nguyễn Đức Long chia sẻ “AI tạo sinh (Generative AI) đã chứng minh hiệu quả vượt trội tại Nhật Bản, nơi công nghệ này hỗ trợ chuyển đổi dữ liệu kinh tế – xã hội thành biểu đồ trực quan, giúp các lãnh đạo đưa ra quyết định chính xác hơn”. Ông dẫn chứng báo cáo từ McKinsey, dự đoán AI có thể đóng góp tới 4.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2023, cho tiềm năng tăng trưởng mà công nghệ này mang lại, đặc biệt với địa phương có chiến lược rõ ràng như Bình Định.
Trong khuôn khổ sự kiện, ông Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục sớm về công nghệ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các công nghệ lõi. Ông khuyến nghị tổ chức các hội thảo chuyên sâu với doanh nghiệp, kết hợp khóa tập huấn trực tiếp và nền tảng giáo dục trực tuyến, đồng thời triển khai mã QR tại các trung tâm hành chính, thư viện, trường học để người dân dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập. Một ví dụ điển hình là MasterTeck – nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) đầu tiên tại Việt Nam, được phát triển theo Chiến lược Blockchain Quốc gia. MasterTeck có khả năng cung cấp hơn 300 khóa học về blockchain và AI với tính ứng dụng cao trong 24 nghề nghiệp hấp dẫn nhất hiện nay như kỹ sư AI, dev blockchain,…
Các học viên cũng có cơ hội học tập các khoá học chuyên sâu về Quản trị rủi ro, An ninh mạng, Đạo đức Hacker,… và nhận chứng chỉ từ các tổ chức quốc tế uy tín như CompTIA, EC-Council, PECB và ABAII ở cả hình thức in truyền thống và chứng chỉ NFT kết nối trực tiếp với tài khoản LinkedIn để tăng tính kết nối toàn cầu, ông Long chia sẻ.
Ngoài ra, ông Long còn đề xuất phát triển một hệ thống cổng học tập riêng cho tỉnh Bình Định, tích hợp thư viện học liệu, tin tức công nghệ, và các công cụ AI hỗ trợ cá nhân hóa. Hệ thống này được xây dựng trên nền tảng học trực tuyến Moodle, với tính năng đăng nhập một lần (SSO) và khả năng mở rộng qua API, giúp tối ưu hóa chi phí và thời gian triển khai. Đặc biệt, nhờ công nghệ Blockchain, hệ thống sẽ đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng và nâng cao tính minh bạch, phục vụ hiệu quả cho chuyển đổi số tại địa phương.
Sau hội thảo, VBA và Viện ABAII dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Bình Định để tổ chức các buổi tập huấn và chương trình đào tạo, nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức về Blockchain và AI cho đội ngũ cán bộ và công chức.
Đây là một phần trong chuỗi hoạt động mà VBA và Viện ABAII đang thực hiện nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và phổ cập công nghệ trên toàn quốc. Trước đó, các sự kiện tương tự đã được tổ chức tại Quảng Bình, Kon Tum và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các địa phương.