40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại kỹ năng Blockchain và AI từ nay đến năm 2025 để thích nghi với sự phát triển của AI và tự động hóa, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII nhấn mạnh.
Ngày 16/12/2024, ABAII Unitour lần thứ 19 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản lý và cơ hội việc làm Blockchain và AI trong ngành kỹ thuật” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TPHCM. Chương trình được tổ chức bởi Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), thu hút hơn 200 sinh viên và chuyên gia công nghệ hàng đầu đến tham dự. Sự kiện không chỉ mang lại những góc nhìn chuyên sâu về tiềm năng của Blockchain và AI mà còn mở ra những cơ hội việc làm thực tế cho sinh viên kỹ thuật trong kỷ nguyên số.
Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TS. Quan Quốc Đăng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp Blockchain và AI trong ngành kỹ thuật để tối ưu hóa quản lý và nâng cao hiệu quả công việc. Trong bối cảnh thị trường việc làm kỹ thuật đang thay đổi nhanh chóng, ông khuyến khích sinh viên chủ động học hỏi và trang bị các kỹ năng công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ chương trình, ông Lê Anh Quốc, Chuyên gia Công nghệ VBA, Giám đốc Vận hành CTCP AlphaTrue, đã chia sẻ về tiềm năng của Blockchain, đặc biệt trong ứng dụng quản lý tín chỉ carbon, một giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và góp phần vào phát triển bền vững. Theo Bloomberg, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu sẽ đạt quy mô lên đến 800 tỷ USD vào năm 2050. Blockchain giúp tối ưu hóa các giao dịch tín chỉ carbon nhờ vào tính minh bạch, khả năng truy xuất và hợp đồng thông minh, từ đó cải thiện thanh khoản cho thị trường này.
Nói về thị trường Blockchain Việt Nam, ông Quốc chia sẻ: “Blockchain đang phát triển mạnh mẽ, với dòng vốn đầu tư vào Việt Nam lên tới 105 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2024, mang lại lợi nhuận gần 1,2 tỷ USD, thu hút hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa. Những con số này chứng minh cho tiềm năng to lớn của công nghệ Blockchain trong nền kinh tế số.”
Tiếp nối chương trình, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng giảng viên Viện ABAII, đã chia sẻ về vai trò của Generative AI (AI Tạo sinh) trong việc định hình thị trường lao động kỹ thuật. Dẫn số liệu từ World Economic Forum, ông cho biết: “40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại kỹ năng từ nay đến năm 2025 để thích nghi với sự phát triển của AI và tự động hóa.”
Không chỉ tạo ra cơ hội việc làm mới, AI còn mang lại mức thu nhập đầy hấp dẫn. Cụ thể, mức lương trung bình của kỹ sư AI hiện nay là 200.000 USD/năm, cao gấp 2,3 lần so với kỹ sư phần mềm thông thường. Với các chuyên gia hàng đầu, thu nhập có thể đạt từ 500.000 – 800.000 USD/năm, trong khi các nhà khoa học AI xuất sắc tại OpenAI có thể nhận được mức lương lên tới 10 triệu USD/năm. Những con số này cho thấy AI không chỉ là xu hướng mà còn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại số hóa.
Ngoài ra, phiên thảo luận với chủ đề “Sự thay đổi của thị trường việc làm ngành kỹ thuật trong kỷ nguyên Blockchain và AI” tiếp tục mang đến những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia.
Ông Võ Thanh Thiên Toán, Giám đốc Công nghệ DecomStars, đã chia sẻ về những ứng dụng thực tế của Blockchain và AI trong doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc tối ưu hóa quản lý dự án và chuỗi cung ứng, nhấn mạnh thách thức lớn nhất của các kỹ sư là khả năng thích nghi nhanh với tốc độ phát triển công nghệ. Ông Toán nhấn mạnh: “Những thách thức lớn nhất mà các kỹ sư sẽ đối mặt khi ứng dụng công nghệ mới là khả năng thích nghi nhanh với tốc độ phát triển và sự phức tạp trong việc tích hợp hệ thống”.
Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số của Viện ABAII, chia sẻ việc nắm vững Blockchain và AI sẽ giúp sinh viên sẵn sàng đáp ứng nhu cầu công việc trong kỷ nguyên số. Để đáp ứng nhu cầu thị trường đầy cạnh tranh này, ông Long đưa ra lời khuyên về sự cần thiết, chủ động học tập và nâng cao kiến thức về Blockchain và AI thông qua những nền tảng học tập trực tuyến như MasterTeck của Viện ABAII.
Chia sẻ về những thách thức khi khởi nghiệp về Blockchain trong phiên thảo luận, ThS. Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH WisChain nhấn mạnh rằng thành công trong lĩnh vực này đòi hỏi sự kiên trì và khả năng học hỏi không ngừng. Ông Cường khẳng định: “Khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain không chỉ đòi hỏi sự am hiểu về công nghệ mà còn yêu cầu kỹ năng quản lý dự án và khả năng vượt qua các rào cản.”
Là sáng kiến của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, từ tháng 3 – tháng 10/2024, ABAII Unitour đã tổ chức 19 chương trình phổ cập Blockchain và AI tại 19 trường Đại học trên cả nước với nhiều chủ đề đa dạng theo nhu cầu thực tế của từng đơn vị. Dự kiến, đến năm 2025, ABAII Unitour sẽ tổ chức 30 chương trình, tiếp cận ít nhất 100.000 sinh viên để chia sẻ về công nghệ và cơ hội nghề nghiệp mới cho các bạn sinh viên trong kỷ nguyên số.
Tính đến hiện tại, ABAII Unitour đã tổ chức thành công 19 chương trình tại các trường Đại học uy tín trên cả nước như Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐH Luật TPHCM, Đại học Y dược TPHCM, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính,.. Dự kiến đến năm 2025, chương trình sẽ tổ chức 30 sự kiện, tiếp cận ít nhất 100.000 sinh viên, mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới trong kỷ nguyên số cho lực lượng lao động trẻ của đất nước.