Ngày 15/6/2024, đoàn công tác từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu, đã tới thăm và làm việc với Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhằm góp ý xây dựng Luật công nghiệp, công nghệ số, dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Tham gia buổi gặp mặt, phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (KHCN&MT) có đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban; Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban; Các Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh; Đồng chí Trần Văn Khải, Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Đồng chí Nguyễn Văn An; Các Ủy viên Chuyên trách Ủy ban KHCN&MT: Đồng chí Vương Quốc Thắng, Đồng chí Lê Hoàng Hải. Đồng chí Trần Ngọc Hoa, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; cùng các thành viên Ủy ban và Vụ đến tham dự.
Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) có GS TSKH Hoàng Văn Huây, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch VBA; ông Trần Việt Hùng, Nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Nguyên trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA; bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký VBA, Phó Viện trưởng Viện ABAII; ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII; ông Lê Linh Lương, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội VBA, Phó Viện trưởng Viện ABAII.
Chia sẻ về mục đích của chuyến viếng thăm và làm việc, đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội cho biết: “Phục vụ cho công tác thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, đoàn đại biểu chúng tôi mong muốn được lắng nghe những ý kiến quý báu về thực trạng ứng dụng công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đồng thời cùng tham gia thảo luận với Hiệp hội nhằm đưa ra những kiến nghị phù hợp cho công tác xây dựng Luật Công nghiệp, công nghệ số. Ngoài ra, chiến lược phổ cập giáo dục về Blockchain và Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng, đặc biệt là sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng là một nội dung quan trọng mà chúng tôi đặc biệt chú trọng trong buổi làm việc ngày hôm nay”.
Đại diện VBA, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực sau đó đã có bài trình bày về bức tranh toàn cảnh của Blockchain. Theo ông Trung: “Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng cho Blockchain với sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp, dự án và cộng đồng khi theo ghi nhận có khoảng hơn 1000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Blockchain, hơn 500 dự án đa dạng các lĩnh vực như tài chính, bất động sản, y tế, giáo dục,… được vận hành bởi startup Việt và có khoảng 20 triệu người Việt đang sở hữu tài sản ảo. Điều Việt Nam hiện thiếu là một khung pháp lý toàn diện cho tài sản ảo (VAs) và các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASPs). Do đó sứ mệnh của Hiệp hội Blockchain Việt Nam là chung tay cùng các cơ quan nhà nước như Ủy ban KHCN&MT Quốc hội để thúc đẩy và yêu cầu tuân thủ các quy định hiện hành tới các cá nhân và tổ chức trong ngành công nghiệp này.”
Nối tiếp chương trình, ông Đào Trung Thành (Phó Viện trưởng Viện ABAII) và bà Nguyễn Vân Hiền (Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam kiêm Viện phó Viện ABAII) đã trình bày báo cáo về những hoạt động đạt được và chiến lược sắp tới của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII trong công tác phổ cập giáo dục Blockchain & AI tới cộng đồng.
Theo ông Thành, thời điểm này các quốc gia không còn thảo luận về việc có ứng dụng AI hay không vì tiềm năng và hiệu quả của công nghệ này đã được thừa nhận và chấp nhận trên quy mô toàn cầu. “Đây là thời điểm chúng ta cần tập trung trả lời câu hỏi là ứng dụng AI như thế nào và cụ thể vào lĩnh vực, hoạt động gì”. Đi kèm với các vấn đề, ông Thành cũng đại diện Viện ABAII đưa ra một số giải pháp đề xuất, ứng dụng phù hợp.
Về hoạt động phổ cập blockchain và AI, bà Vân Hiền cho biết, sau thành công tại 6 trường đại học trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5/2024, Viện ABAII dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức Unitour tại 25 trường đại học cho hơn 20,000 sinh viên trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, Viện ABAII cũng đang chuẩn bị các cuộc thi hackathon trong lĩnh vực CNTT cùng hệ sinh thái học tập ABAII Edu với những khóa học Blockchain & AI chất lượng và thúc đẩy nỗ lực phổ cập blockchain, AI thông qua việc thành lập hai trung tâm trực thuộc là Trung tâm Sáng tạo AI và Trung tâm Đào tạo và Khởi nghiệp Blockchain Việt Nam.
Để giúp các đại biểu Quốc hội đến từ UB KHCNMT hiểu thêm về các khóa học và quy trình xác thực, cấp bằng của Viện ABAII, ông Trần Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech của VBA đã trực tiếp mô phỏng lại quá trình xác thực, cấp chứng chỉ và lưu trữ văn bằng NFT trên mạng blockchain nhằm tăng tính minh bạch.
Sau các bài trình bày, các thành viên đoàn làm việc Ủy ban KHCN&MT Quốc hội và các lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện ABAII đã có buổi thảo luận thẳng thắn, cởi mở về ứng dụng công nghệ blockchain, AI cũng như các ý kiến góp ý với dự thảo Luật Công nghiệp và công nghệ số sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 8 sắp tới. Bên phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng đã nêu lên một số kiến nghị mang tính xây dựng và đưa ra để cùng thảo luận với đoàn đại biểu.
Trước khi kết thúc buổi làm việc, đoàn đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự ủng hộ tới định hướng hoạt động của Hiệp hội nói chung và Viện ABAII nói riêng, đồng thời đưa ra các nội dung định hướng cho các buổi làm việc tiếp theo giữa hai bên nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ blockchain và AI nói riêng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Đọc thêm về Triển khai ứng dụng CNTT trong công tác hành chính tại Văn phòng Thành ủy TPHCM
Đọc thêm về Góp ý xây dựng Luật công nghiệp, công nghệ số cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội