Bản tin AI do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII thực hiện, mang đến những thông tin quan trọng về trí tuệ nhân tạo và đổi mới công nghệ. Xuất bản vào mỗi thứ Hai, bản tin giúp độc giả nắm bắt xu hướng, ứng dụng thực tiễn và những tác động của AI đến các lĩnh vực kinh tế, khoa học và đời sống.

Tin tức AI nổi bật nhất trên thế giới từ ngày 23/6 đến 30/6 

1. Mỹ trình “No Adversarial AI Act”: chặn hoàn toàn phần mềm gốc Trung Quốc trong liên bang

Ngày 25/6 – Hạ viện Mỹ giới thiệu dự luật lưỡng đảng cấm mọi bộ, ngành sử dụng mô hình AI do các “đối thủ” như Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên phát triển. Danh sách cấm sẽ do Hội đồng An ninh Thu mua liên bang cập nhật định kỳ; chỉ Quốc hội hoặc OMB mới được cấp ngoại lệ. Tác nhân trực tiếp là vụ DeepSeek – start-up Trung Quốc bị cáo buộc lách lệnh kiểm soát GPU H100. Nếu được Thượng viện thông qua, đạo luật sẽ mở rộng “tách rời công nghệ” từ chip sang phần mềm, buộc các nhà thầu phải chứng minh nguồn gốc thuật toán trong hồ sơ dự thầu.

Xem thêm Tại đây 

2. Nhà Trắng soạn loạt sắc lệnh bảo đảm điện – đất cho siêu trung tâm dữ liệu AI

Ngày 27/6 – Reuters dẫn bốn nguồn tin cho biết Chính quyền Trump chuẩn bị gói sắc lệnh cho phép đấu nối lưới điện cấp tốc, cho thuê đất liên bang và đơn giản hoá giấy phép môi trường đối với dự án data-center AI. Kế hoạch nhằm giải quyết nhu cầu điện dự báo gấp năm lần hiện tại vào 2029, đồng thời biến hạ tầng AI thành “vũ khí cạnh tranh” với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới khí hậu lo ngại việc ưu ái than và hạt nhân sẽ xung đột mục tiêu Net-Zero, còn cơ quan quản lý bang cảnh báo nguy cơ “vượt mặt” thẩm quyền địa phương. 

Xem thêm Tại đây

3. CCIA kêu gọi EU hoãn thi hành AI Act, cảnh báo “bế tắc đổi mới”

Ngày 26/6 – Liên minh Big Tech CCIA Europe (Alphabet, Meta, Apple…) gửi thư yêu cầu Uỷ ban châu Âu tạm dừng các điều khoản dành cho mô hình GPAI dự kiến hiệu lực 2/8. CCIA lập luận doanh nghiệp “chưa kịp hiểu mình phải tuân thủ gì”, 67 % công ty EU khảo sát thừa nhận lúng túng. EU trả lời “sẽ triển khai thân thiện với đổi mới”, song Thủ tướng Thuỵ Điển và một số lãnh đạo đã công khai ủng hộ ý tưởng tạm hoãn. Việc trì hoãn có thể giữ R&D ở châu Âu, nhưng cũng đe doạ tính thống nhất của đạo luật từng được ca ngợi là “GDPR cho AI”.

Xem thêm Tại đây

4. Hai phán quyết lịch sử về “fair use” củng cố phòng tuyến của Big Tech

Hai ngày 24-26/6, Chỉ trong 48 giờ, toà liên bang ra hai quyết định then chốt: (i) Thẩm phán William Alsup tuyên bố Anthropic quét sách để huấn luyện Claude là “sử dụng hợp lý”, nhưng lưu trữ thư viện 7 triệu sách có thể xâm phạm bản quyền; (ii) Thẩm phán Vince Chhabria bác đơn kiện Meta vì nguyên đơn “trình bày sai luận điểm”. Dù khác chi tiết, cả hai khẳng định sao chép dữ liệu để huấn luyện LLM có thể được bảo vệ bởi fair use nếu mang tính “chuyển hoá”. Các nhà xuất bản cân nhắc chuyển hướng sang cơ chế cấp phép bắt buộc – kịch bản có thể định hình lại mô hình doanh thu nội dung số. 

Xem thêm Tại đây

5. Google biến Gemini thành “trợ lý hệ thống” trên Android từ 7/7

Ngày 27/6 – Email gửi người dùng cho biết Gemini sắp điều khiển trực tiếp Điện thoại, Tin nhắn, WhatsApp, hẹn giờ và phát nhạc dù chế độ thu thập dữ liệu tắt. Động thái thay thế hoàn toàn Google Assistant, mở màn cuộc đua “trợ lý tích hợp sâu” với Apple Intelligence. Chuyên gia quyền riêng tư lưu ý: khi AI tiếp cận cảm biến và lịch sử cuộc gọi, cơ chế thu hồi quyền truy cập phải minh bạch hơn điều khoản hiện hành. Nhà mạng cũng lo ngại lưu lượng API mới sẽ tạo thêm áp lực băng thông. 

Xem thêm Tại đây

6. Google phát hành mã nguồn mở Gemini CLI, thách thức Codex

Ngày 25/6 , TechCrunch cho hay Google tung Gemini CLI dưới giấy phép Apache 2.0, cho phép lập trình viên gọi model Gemini trực tiếp trong Terminal để viết, sửa, gỡ lỗi code và thậm chí tạo video qua Veo-3. Gói miễn phí hỗ trợ 60 yêu cầu/phút – gấp đôi đối thủ Codex CLI của OpenAI. Giới bảo mật cảnh báo rủi ro chuỗi cung ứng khi mã nguồn mở, trong khi cộng đồng hoan nghênh vì hạn mức rộng giúp giảm phụ thuộc IDE thương mại. 

Xem thêm Tại đây 

7. Microsoft hoãn chip Maia “Braga” tới 2026, hiệu năng vẫn kém Nvidia

Ngày 27/6, The Information tiết lộ và Reuters xác nhận: chip Maia thế hệ 2 bị trì hoãn ít nhất sáu tháng do thay đổi thiết kế và thiếu nhân sự, đẩy lịch sản xuất sang 2026. Ngay cả khi ra mắt, Braga vẫn “thấp rõ rệt” so với kiến trúc Blackwell của Nvidia. Trong khi Amazon hứa Trainium 3 cuối 2025 và Google đã có TPUv7, Azure nguy cơ tiếp tục lệ thuộc GPU Nvidia, ảnh hưởng chiến lược cắt giảm chi phí compute cho OpenAI.

Xem thêm Tại đây

8. Singapore hoãn xét xử đường dây tuồn GPU Nvidia sang DeepSeek

Ngày 27/6, Tòa án dời phiên xử ba bị cáo buôn lậu máy chủ H100 tới 22/8, mở rộng điều tra 22 cá nhân & công ty. Cáo trạng cho thấy các lô hàng trị giá hàng chục triệu USD bị khai gian điểm đến, vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. 2024, Singapore chiếm 18 % doanh thu Nvidia nhưng thực giao < 2 %, cho thấy vai trò “trạm hoá đơn” trong chuỗi xám GPU. Vụ án trở thành tiền lệ quan trọng cho nỗ lực bịt lỗ hổng chuyển vị chip AI sang Trung Quốc. 

Xem thêm Tại đây

9. Decagon huy động 131 triệu USD, vươn tầm “kỳ lân” CSKH

23/6, Start-up Decagon chuyên chatbot chăm sóc khách hàng công bố vòng Series B do Index Ventures dẫn dắt, định giá 1,5 tỷ USD. Khách hàng gồm Hertz, Duolingo giúp công ty có doanh thu ARR “hàng chục triệu” và biên lợi nhuận 65 %. Giới VC nhận định dòng tiền đang chảy mạnh vào “AI ngành dọc” có hợp đồng hiện hữu, thay vì đặt cược mô hình nền tảng đốt vốn.

Xem thêm Tại đây

10. Abridge gọi 300 triệu USD, định giá 5,3 tỷ USD – sức hút “AI y tế”

Ngày 24/6, Abridge – nền tảng tự động hoá hồ sơ y khoa và hóa đơn, hoàn tất vòng Series E do Andreessen Horowitz dẫn dắt. Công ty cho biết đã ghi nhận tăng trưởng 400 % lượng bác sĩ dùng, tiết kiệm trung bình 30 phút nhập liệu mỗi ca khám. Thị trường dự báo health-AI đạt 70 tỷ USD năm 2030; Abridge trở thành “kỳ lân” thứ ba trong mảng này sau Hippocratic AI và Tempus.

Xem thêm Tại đây 

Tin tức AI nổi bật nhất tại Việt Nam từ ngày 23/6 đến 30/6 

1. Hệ thống 5 luật mới đặt AI vào nhóm “công nghiệp mũi nhọn”

Chiều 28/6, Bộ KH-CN công bố 5 luật vừa được Quốc hội khoá XV thông qua: Luật Khoa học-Công nghệ & Đổi mới sáng tạo (sửa đổi), Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS), Luật Tiêu chuẩn-Quy chuẩn, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (sửa đổi) và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Điểm đột phá: lần đầu AI, bán dẫn và tài sản số được xếp vào “dự án trọng điểm” để hưởng thuế TNDN 5% trong 37 năm, miễn 6 năm, giảm 50 % 13 năm tiếp, ưu đãi tiền thuê đất 22 năm nếu vốn đầu tư ≥ 6.000 tỷ đồng. Luật cũng chuyển cách quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, trao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho nhóm thực hiện để thương mại hoá; Bộ KH-CN chỉ đo lường đầu ra, phân bổ kinh phí theo hiệu quả. Các chuyên gia đánh giá khung pháp lý mới “cởi trói” cho các viện và doanh nghiệp AI, đồng thời tạo bộ lọc chất lượng dự án, chuẩn bị cho mục tiêu kinh tế số chiếm 30 % GDP năm 2030.

Xem thêm Tại đây

​​

2. Quốc hội số 2.0: AI hỗ trợ lập pháp, giám sát

Chiều 25/6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị chuyên đề về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong hoạt động nghị trường. Báo cáo cho biết Quốc hội đã hoàn tất Kiến trúc Quốc hội số 1.0, chuẩn hóa 25 quy trình nghiệp vụ, triển khai App “Quốc hội 2.0” giúp đại biểu tra cứu tài liệu, tham gia biểu quyết và phát biểu mọi lúc, mọi nơi. AI được tích hợp thử nghiệm để tóm tắt dự thảo luật, phân tích ý kiến cử tri và hỗ trợ lập lịch giám sát. Trung tâm dữ liệu Quốc hội trên nền điện toán đám mây sẽ vận hành đầu năm 2026, trong khi trung tâm điều hành an ninh mạng kết nối trực tuyến với hệ thống phòng vệ quốc gia đã chạy thử. Lãnh đạo Quốc hội xác định vai trò “cơ quan đi đầu” trong chuyển đổi số, gắn thực hiện Nghị quyết 57 và Đề án Quốc hội số giai đoạn 2025-2030.

Xem thêm Tại đây

3. Hai AI Factory của FPT lọt Top 500 siêu máy tính thế giới

Ngày 27/6, FPT công bố hai trung tâm tính toán AI Factory, đặt tại Nhật Bản và Việt Nam, lần lượt xếp hạng 36 và 38 trên bảng TOP500 tháng 6/2025. Cụm máy Việt Nam sở hữu 142.240 lõi xử lý, đạt 46,65 PFlops Linpack; cụm tại Nhật đạt 49,85 PFlops. Cả hai dùng hạ tầng InfiniBand NDR400 và GPU Nvidia H200, cho phép mở rộng từ một GPU tới hàng trăm máy chủ song song. Thành tích đưa Việt Nam lần đầu lọt nhóm 15 quốc gia có hạ tầng HPC mạnh nhất, đồng thời củng cố vị thế FPT trong mảng AI Cloud thương mại. Tập đoàn đặt mục tiêu xây thêm ba nhà máy AI toàn cầu trong 5 năm tới, hướng đến hệ sinh thái “Build Your Own AI” giúp doanh nghiệp tự huấn luyện mô hình với chi phí tối ưu.

Xem thêm Tại đây

4. “Điện, nước cho AI” – thách thức hạ tầng trung tâm dữ liệu Việt Nam

Bài phân tích ngày 30/6 trên VnExpress cảnh báo mục tiêu đạt 870 MW công suất trung tâm dữ liệu (DC) vào 2030 sẽ kéo theo nhu cầu điện tương đương 2,4 triệu hộ dân và tới 190.000 m³ nước/ngày chỉ cho hệ thống làm mát – ngang mức dùng nước sinh hoạt của toàn thành phố Huế. Tác giả dẫn số liệu IEA cho thấy tỷ trọng điện tiêu thụ của DC toàn cầu có thể tăng gấp đôi trong 5 năm. Trong bối cảnh lưới điện Việt Nam còn mong manh và cam kết giảm phát thải của PDP VIII, bài viết đề xuất 5 trụ cột chính sách: chuẩn PUE khắt khe, ưu tiên năng lượng tái tạo, phát triển lưu trữ điện, minh bạch dữ liệu vận hành và cơ chế giá điện đặc thù cho DC xanh.

Xem thêm Tại đây

5. AI Awards 2025 mở cổng đề cử, hạn chót 13/7

Từ 23/6, Ban tổ chức AI Awards 2025 chính thức nhận hồ sơ ở bốn hạng mục: Giải pháp AI Việt, Thiết bị AI xuất sắc, Tài năng AI Việt và Doanh nghiệp AI tiêu biểu. Hồ sơ gồm mô tả sản phẩm kèm hình ảnh hoặc video; các đề cử sẽ trải qua vòng sơ loại, bình chọn cộng đồng và phản biện hội đồng chuyên môn. Lễ trao giải dự kiến tuần thứ hai tháng 9 trong khuôn khổ AI4VN 2025 tại Hà Nội. Năm nay, chương trình lần đầu vinh danh Top 5 doanh nghiệp ứng dụng AI xuất sắc, phản ánh xu hướng dịch chuyển giá trị từ phòng R&D sang triển khai thực tiễn.

Xem thêm Tại đây 

6. Báo cáo Cisco: 62% tổ chức Việt lo ngại “Shadow AI”

Ngày 26/6, VnExpress công bố phân tích dựa trên Báo cáo An ninh mạng 2025 của Cisco: 62% doanh nghiệp Việt thừa nhận thiếu khả năng phát hiện nhân viên tự ý dùng công cụ AI bên thứ ba; 40% bộ phận CNTT không nắm cách nhân viên tương tác với GenAI. Tình trạng “Shadow AI” làm dấy lên lo ngại rò rỉ dữ liệu mật – từ bản kế hoạch marketing đến mã nguồn. Chuyên gia NCA khuyến cáo tổ chức cần khung chính sách “AI có trách nhiệm”, giải pháp giám sát lưu lượng, đồng thời đào tạo nhận thức bảo mật. Cisco đề xuất bộ giải pháp xác thực người dùng, phân loại dữ liệu và kiểm toán tương tác AI theo thời gian thực.

Xem thêm Tại đây 

7. TP.HCM tập huấn hơn 1.000 cán bộ tòa án về ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Ngày 28/6, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII) phối hợp Tòa án nhân dân TP.HCM và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức buổi tập huấn “Ứng dụng AI trong công tác tòa án” cho hơn 1.000 thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký và hòa giải viên. Khai mạc chương trình, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để rút ngắn thời gian giải quyết án, song nhấn mạnh AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ, không thay thế phán đoán chuyên môn của thẩm phán. Các đại biểu được giới thiệu bộ công cụ ChatGPT, phần mềm “AI Tra cứu Luật” do Viện ABAII phát triển, cùng quy trình rà soát hồ sơ bằng mô hình ngôn ngữ lớn, giúp tăng tốc tóm tắt vụ việc, lập luận pháp lý và cảnh báo rủi ro. 

Xem thêm Tại đây

8. Easy-Comm: AI chuyển ngôn ngữ ký hiệu sang lời nói
Đêm 23/6, nhóm sinh viên Việt ra mắt Easy-Comm – nền tảng AI nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu với độ chính xác 95%, chuyển thành văn bản hoặc giọng nói thời gian thực. Dự án đoạt giải cuộc thi “Thách thức đổi mới sáng tạo thời đại số 2025” do Trung ương Đoàn và UNDP tổ chức. Easy-Comm đã tiếp cận 400.000 người khiếm thính trong nước, dự kiến mở rộng sang Philippines. Mô hình kinh doanh miễn phí 3 năm đầu, sau đó thu phí 99.000 đ/tháng để duy trì dịch vụ. Chuyên gia WHO ước tính Việt Nam có 2,5 triệu người khuyết tật nghe-nói; giải pháp được kỳ vọng giảm chi phí phiên dịch và thúc đẩy hòa nhập lao động.

Xem thêm Tại đây


Ngô Duy Đông – đại diện nhóm phát triển chia sẻ về nền tảng hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính. Ảnh: Trọng Đạt

9. Alpha Books trình làng Alpha.AI – dịch vụ xuất bản thông minh
Chiều 27/6, Alpha Books giới thiệu Alpha.AI – hệ sinh thái xuất bản tích hợp GPT-4, DeepL và Grammarly, hỗ trợ dịch thuật, biên tập đa ngữ, sản xuất video và phân tích độc giả. Theo Chủ tịch Nguyễn Cảnh Bình, giải pháp rút ngắn 70% thời gian xử lý bản thảo, đồng thời giữ vai trò “biên tập viên thứ hai” để đảm bảo chuẩn mực học thuật. Alpha.AI đã thử nghiệm trên nền tảng Udemy với 75 triệu học viên toàn cầu, nay nhắm tới thị trường tác giả, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước. Giới xuất bản nhìn nhận đây là bước ngoặt số hóa, giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách so với thị trường sách số thế giới. 

Xem thêm Tại đây

10. AI ngành dọc mở ra cơ hội cho công nghệ Việt Nam

Gartner dự báo tới 2026, 80 % doanh nghiệp toàn cầu sẽ ứng dụng “tác nhân AI chuyên ngành”, mở thị trường vertical AI trị giá hàng trăm tỷ USD. Lợi thế dữ liệu tiếng Việt, am hiểu quy trình bản địa giúp các công ty trong nước dễ chen chân phân khúc giá trị cao. Báo VnExpress ghi nhận nhiều tập đoàn và start-up đã ra mắt giải pháp AI cho sản xuất, tài chính, y tế; FPT chỉ là một ví dụ với bộ sản phẩm I2, IvyChat, CareMate, còn nông nghiệp thông minh và pháp lý đang được các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác mạnh. Nếu sớm chuẩn hóa khung dữ liệu chuyên ngành và sandbox thử nghiệm, vertical AI được kỳ vọng trở thành động lực tăng tốc mới cho ngành công nghệ Việt Nam.

Xem thêm Tại đây

viVietnamese