Bản tin AI do Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII thực hiện, mang đến những thông tin quan trọng về trí tuệ nhân tạo và đổi mới công nghệ. Xuất bản vào mỗi thứ Hai, bản tin giúp độc giả nắm bắt xu hướng, ứng dụng thực tiễn và những tác động của AI đến các lĩnh vực kinh tế, khoa học và đời sống.
Tin tức AI nổi bật nhất trên thế giới từ ngày 07/07 đến ngày 13/07
1. Nvidia chạm mốc 4 nghìn tỷ USD – biểu tượng “vàng đen” của kỷ nguyên GPU
Ngày 09/7, cổ phiếu Nvidia tăng thêm 2,8%, đưa vốn hóa vượt 4 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên một doanh nghiệp đạt cột mốc lịch sử này. Tập đoàn hiện nắm 7,3% trọng số S&P 500, cao hơn bất cứ nhà sản xuất chip nào từng có với động lực chính đến từ đơn đặt hàng H100/Blackwell cho “nhà máy AI” của Microsoft, Meta và OpenAI, cùng làn sóng trung tâm dữ liệu đang mọc lên ở Trung Đông và Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 11/7, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gửi thư cảnh báo CEO của Nvidia – Jensen Huang trước chuyến thăm Bắc Kinh, lo ngại công ty vô tình tiếp tay cho đối tượng tìm cách lách kiểm soát chip. Sự pha trộn giữa kỳ vọng lợi nhuận cực đại và căng thẳng địa-chính trị biến Nvidia thành “phong vũ biểu” của cả chuỗi giá trị AI.
Xem thêm Tại đây
2. EU công bố Bộ Quy tắc Thực hành cho mô hình AI đa nhiệm
Ngày 11/7, Ủy ban Châu Âu phát hành Bộ Quy tắc Thực hành cho mô hình AI đa nhiệm nhằm giúp hàng nghìn doanh nghiệp trong khối 27 quốc gia EU tuân thủ bộ quy tắc AI mang tính bước ngoặt trước khi bộ luật có hiệu lực hoàn toàn vào 2026. Bộ quy tắc tự nguyện xoáy vào ba trụ cột: minh bạch mô hình, bảo vệ bản quyền và an toàn hệ thống cấp cao. Doanh nghiệp vi phạm bộ quy tắc AI có thể bị phạt tới 35 triệu EUR hoặc 7% doanh thu toàn cầu, khiến nhiều “ông lớn” như Meta, Airbus, Mistral đề nghị hoãn thi hành thêm hai năm. Dù vậy, Phó Chủ tịch EC Henna Virkkunen khẳng định quy định mới vừa bảo hộ sáng tạo, vừa giữ vị thế “công xưởng an toàn” cho AI châu Âu.
Xem thêm Tại đây
3. AI for Good Impact Awards vinh danh 12 giải pháp “AI vì nhân loại” tại Geneva
Lễ trao giải AI for Good Impact Awards diễn ra ngày 09/7 bên lề Hội nghị AI for Good Summit, thu hút 320 hồ sơ từ hơn 80 quốc gia. Giải thưởng “AI for People” thuộc về Fetosense – hệ thống theo dõi thai kỳ giảm 30% nhập NICU ở 6 quốc gia đang phát triển; giải thưởng “AI for Planet” trao cho Quartz Solar Cloudcasting tối ưu dự báo điện mặt trời; giải thưởng “AI for Prosperity” gọi tên Farm Assist hỗ trợ nông nghiệp tái sinh; và cuối cùng là giải thưởng “Pro Bono Collaboration” thuộc về SidLabs Online LLP với 2 dự án: Defensa+AI và LexAid. Sự kiện cho thấy AI không chỉ xoay quanh LLM hay chip, mà còn là công cụ giải quyết khủng hoảng y tế, khí hậu, phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Xem thêm Tại đây
4. Meta Superintelligence Labs “hút máu” nhân lực thung lũng Silicon
Ngày 08/7, Reuters tiết lộ Meta đã chi các gói thưởng lên tới 100 triệu USD/người để lôi kéo hàng loạt tên tuổi đình đám, từ cựu CEO Scale AI – Alexandr Wang, cựu CEO GitHub – Nat Friedman tới các kỹ sư từng nắm vai trò chủ chốt trong GPT-4o hay Gemini 2.5 “Superintelligence Labs”, đơn vị mới thống nhất mọi nỗ lực AI của tập đoàn. Động thái diễn ra sau khi Llama 4 bị chê kém hơn ChatGPT-4o và DeepSeek-V3, buộc Mark Zuckerberg phải xoay trục sang các mô hình lý luận dài ngữ cảnh và agent điều khiển máy tính. Meta kỳ vọng đội ngũ mới sẽ tung Llama 5 dưới giấy phép mã nguồn mở “community friendly” để phá vỡ thế độc quyền của OpenAI và Google, đồng thời xây dựng nền tảng “AI-OS” tích hợp từ Quest tới WhatsApp.
Xem thêm Tại đây
5. Moonshot AI tung Kimi K2 mở nguồn, Trung Quốc đẩy mạnh “thế trận cộng đồng”
Ngày 11/7 tại Bắc Kinh, startup Moonshot AI ra mắt Kimi K2 – mô hình mã nguồn mở tập trung vào lập trình và điều phối tác vụ, đồng thời tuyên bố “vượt DeepSeek-V3 và tiệm cận Anthropic về mã nguồn”. Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc khuyến khích chia sẻ mã để tăng sức ảnh hưởng toàn cầu và né lệnh hạn chế chip, Moonshot gia nhập làn sóng Alibaba, Tencent, Baidu liên tiếp mở nguồn các LLM nội địa. Công ty thừa nhận mất thị phần vào DeepSeek vì giá thành rẻ, nhưng tin rằng cộng đồng 200,000 lập trình viên sẽ giúp Kimi nhanh chóng “học” các công cụ doanh nghiệp. Việc Moonshot đánh cược vào mở nguồn đối nghịch chiến lược bảo mật của nhiều ông lớn về AI tại Mỹ trong thời điểm hiện tại.
Xem thêm Tại đây
Tin tức AI nổi bật nhất tại Việt Nam từ ngày 07/07 đến ngày 13/07
1. Liên danh G42 – FPT – VinaCapital đề xuất “nhà máy AI” 2 tỷ USD tại TP.HCM
Ngày 10/7, hãng công nghệ Abu Dhabi G42 (các cổ đông chính bao gồm quỹ đầu tư quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Microsoft có trụ sở tại Hoa Kỳ) cùng liên danh FPT – VinaCapital – Viet Thai đề xuất xây dựng “hyperscale data centre” 2 tỷ USD tại TP.HCM, định vị như một nhà máy AI phục vụ khu vực châu Á và toàn cầu. Chính quyền thành phố kiến nghị Thủ tướng cấp “cơ chế đặc biệt” để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nhấn mạnh trung tâm sẽ tăng sức hút FDI, tạo hàng nghìn việc làm công nghệ cao và bổ sung 500 MW điện toán đám mây cho Việt Nam đến 2029. Dự án đánh dấu bước nhảy vọt về hạ tầng AI, củng cố mục tiêu đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển dữ liệu và huấn luyện mô hình lớn ở Đông Nam Á.
Xem thêm Tại đây
2. TP. HCM bắt tay Intel mở chương trình đào tạo nhân lực AI
Chiều 08/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được và Phó Chủ tịch Intel toàn cầu Sarah Kemp thống nhất thành lập chương trình huấn luyện nhân lực về trí tuệ nhân tạo, vi mạch 18A và hệ sinh thái bán dẫn với quy mô 10,000 học viên từ công chức, sinh viên lẫn kỹ sư; Intel cam kết cung cấp giáo trình, tài nguyên phòng lab và Khu Công nghệ Cao TPHCM chịu trách nhiệm tuyển sinh và phối hợp nghiên cứu. Intel cam kết mở rộng đầu tư thêm 1,5 tỷ USD, đưa dây chuyền 18A vào sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ đào tạo công chức về ứng dụng AI trong quản trị đô thị. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng đầu tư 1,5 tỷ USD của Intel Việt Nam và tận dụng Nghị định 182/2024/NĐ-CP về ưu đãi AI-bán dẫn. Chương trình lấp khoảng trống nhân lực chất lượng cao – mắt xích quan trọng để hiện thực hóa các “nhà máy AI” và tham vọng chip “Make in Vietnam”.
Xem thêm Tại đây
3. Diễn đàn InnoEx 2025: “Từ dữ liệu đến tài sản mã hóa”
Họp báo ngày 9/7 công bố Diễn đàn & Triển lãm Đổi mới sáng tạo InnoEx 2025 sẽ diễn ra 21-22/8 tại Thiskyhall Sala, TPHCM, quy tụ 4,000 CEO và nhà sáng lập, 300 đơn vị triển lãm, hơn 100 startup cùng 70 quỹ đầu tư và tổ chức tài chính tham dự, tập trung vào AI, blockchain, GreenTech. Với chủ đề “Shaping the Future Economy: From Data to Digital Assets” phản ánh định hướng chuyển dữ liệu thành lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy token hoá và kinh tế số. Sự kiện được kỳ vọng trở thành “đường băng” kết nối sáng kiến nội địa với vốn quốc tế, phục vụ mục tiêu đưa Việt Nam vào Top 50 quốc gia AI trước 2030.
Xem thêm Tại đây
4. AI Awards 2025 bước vào chặng cuối tiếp nhận đề cử
VnExpress thông báo sáng 09/7 chỉ còn 5 ngày nhận hồ sơ cho AI Awards 2025, giải thưởng uy tín tôn vinh giải pháp, thiết bị, doanh nghiệp và tài năng AI Việt Nam. Sau hơn một tháng, gần 100 bộ hồ sơ ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, logistics đã gửi về; vòng sơ khảo sẽ chốt vào 13/07 và gala trao giải dự kiến tuần thứ hai tháng 9 tại Hà Nội. Ban giám khảo kết hợp chuyên môn và bình chọn cộng đồng, hứa hẹn tạo “hàn thử biểu” đo sức sáng tạo nội địa cũng như cơ hội gọi vốn cho startup.
Xem thêm Tại đây
5. Bùng nổ “video giấu mặt” bằng AI: Cơ hội và hệ lụy
Bài điều tra của VnExpress ngày 9/7 ghi nhận làn sóng creator Việt sử dụng ChatGPT, Google Veo 3, ElevenLabs,… để sản xuất video hoàn toàn bằng AI mà không cần lộ diện. Thời gian tạo clip rút từ 8–10 giờ xuống còn 2 giờ; nhiều kênh “ẩn danh” đạt thu nhập hàng nghìn USD/tháng. Nhà sáng lập công ty tư vấn và đào tạo marketing Taki Group- Ông Nguyễn Tất Kiểm ước tính AI đã tự động hoá 80% quy trình sáng tạo nội dung, nhưng cũng làm bùng phát “video rác” và nguy cơ tin giả, buộc nền tảng như YouTube phải siết kiểm duyệt và chính sách kiếm tiền. Xu hướng này cho thấy AI xóa nhòa rào cản kỹ năng, mở cơ hội kinh tế sáng tạo, nhưng đồng thời đặt ra bài toán xác thực danh tính và đạo đức số cho cơ quan quản lý.
Xem thêm Tại đây