Báo cáo viên chia sẻ về kế hoạch phát triển AI Tra Cứu Luật

Với hơn 3.000 người dùng, AI Tra Cứu Luật đang mở ra xu hướng mới trong việc tiếp cận thông tin pháp luật một cách nhanh chóng và chính xác, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả trong tra cứu pháp lý.

Ngày 23/9/2024, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII đã tổ chức buổi giới thiệu Ứng dụng AI Tra Cứu Luật tại Đại học Luật TPHCM, thu hút sự tham gia của đông đảo học viên khóa Thực hành nghề pháp chế Doanh nghiệp, giảng viên và chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý. 

Thạc sĩ Trịnh Anh Nguyên, Giám đốc Viện Đào tạo và Bồi Dưỡng Đại học Luật TPHCM, Luật gia, Cố vấn Công ty Luật TNHH Nguyễn và Brothers, nhấn mạnh: “AI Tra Cứu Luật cho phép người dùng tìm thấy văn bản pháp luật chỉ trong vài giây, thay vì phải mất hàng giờ tra cứu trong hàng trăm kết quả tìm kiếm như hiện nay. Đây là bước tiến lớn trong việc tiếp cận thông tin pháp lý, mang lại sự tiện lợi và hiệu quả chưa từng có.” Thạc sĩ Nguyên chia sẻ thêm rằng các giảng viên tại Đại học Luật TPHCM đánh giá cao ứng dụng này, và trong tương lai gần, trường sẽ triển khai thêm các khóa học về ứng dụng AI trong pháp lý, nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng thiết yếu trong kỷ nguyên số.

Khai giảng và giới thiệu AI Tra Cứu Luật tại Đại học Luật TPHCM
Các học viên tham gia buổi khai giảng và giới thiệu AI Tra Cứu Luật tại Đại học Luật TPHCM

AI Tra Cứu Luật là dự án do Viện ABAII phát triển, hợp tác với Công ty Cổ phần DecomStars và Công ty Luật Nam Hà. Ứng dụng có hơn 145.000 văn bản pháp luật được cập nhật liên tục theo thời gian thực, đảm bảo độ chính xác và tránh rủi ro cho người dùng khi sử dụng các văn bản đã hết hiệu lực.

Điểm nổi bật của AI Tra Cứu Luật là khả năng hỏi đáp tự động dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP). Người dùng chỉ cần đặt câu hỏi bằng ngôn ngữ thông thường và nhận được kết quả chính xác theo ngữ cảnh, giúp tra cứu pháp lý nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, AI Tra Cứu Luật còn tích hợp công nghệ AI thông minh, tự động hóa quy trình tư vấn pháp lý, tiết kiệm thời gian hơn và tối ưu hiệu quả làm việc. 

Về bảo mật, AI Tra Cứu Luật cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật, bảo vệ tối đa thông tin cá nhân của người dùng, đặc biệt trong bối cảnh bảo mật dữ liệu trực tuyến ngày càng được quan tâm. Đến nay, AI Tra Cứu Luật đã có hơn 3.000 người sử dụng, bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp, giúp tiết kiệm từ 70% đến 80% thời gian tra cứu và trở thành công cụ hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy.

Báo cáo viên chia sẻ về kế hoạch phát triển AI Tra Cứu Luật
Báo cáo viên Nguyễn Thuỳ Đoan chia sẻ về kế hoạch phát triển AI Tra Cứu Luật trong thời gian tới

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó ban Truyền thông Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhận định: “AI không chỉ mang lại tiện ích trong việc tra cứu pháp lý mà còn là bước đột phá trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống. Tuy nhiên, người dùng vẫn nên kiểm chứng thông tin với chuyên gia luật hoặc luật sư để đảm bảo tính chính xác.”

Báo cáo viên Nguyễn Thuỳ Đoan chia sẻ rằng, ưu điểm nổi bật của AI Tra Cứu Luật không chỉ nằm ở việc cung cấp các văn bản pháp lý ngắn gọn, mà còn đưa ra các kết quả tìm kiếm từ Google và Thư Viện Pháp Luật, giúp người dùng dễ dàng đối chiếu thông tin, mang lại cái nhìn tổng quan và chính xác hơn trong quá trình tra cứu pháp lý.

Trước đó, Viện ABAII đã tổ chức nhiều buổi tập huấn và chia sẻ về ứng dụng AI Tra Cứu Luật, bao gồm các buổi giới thiệu cho giảng viên và sinh viên tại Đại học Luật, cũng như các chương trình tập huấn cho người dân và cán bộ tại Phường 13, Quận Bình Thạnh và Phường Cô Giang, Quận 1. Những hoạt động này nhằm đưa công nghệ AI đến gần hơn với cộng đồng, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin pháp lý một cách nhanh chóng và chính xác.

Bên cạnh đó, Viện ABAII cũng triển khai các dự án như MasterTeck – nền tảng giáo dục trực tuyến về Blockchain và AI với hơn 300 khóa học. MasterTeck liên kết với các tổ chức cấp chứng chỉ quốc tế, mang đến cơ hội học tập từ xa và nhận bằng cấp uy tín, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho học viên.

viVietnamese