Với hơn 100 tỷ USD dòng vốn từ thị trường Blockchain đổ vào Việt Nam trong năm 2023 và 75% doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự cấp cao ngành AI, lực lượng lao động trẻ đang đứng trước cơ hội đón đầu xu hướng nghề nghiệp vô cùng tiềm năng này.
Ngày 30/11/2024, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) phối hợp tổ chức hoạt động thứ 17 trong chuỗi chương trình ABAII Unitour cùng Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF) với chủ đề “Tái thiết lập thị trường việc làm với Blockchain và AI”. Sự kiện thu hút hơn 400 sinh viên, giảng viên, và các chuyên gia, doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và giáo dục, tạo diễn đàn thảo luận mở về tiềm năng Blockchain và AI trong việc tái cấu trúc thị trường lao động.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nhan Cẩm Trí, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị những kiến, thức kỹ năng công nghệ tiên tiến như Blockchain và AI trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu. Đặc biệt, bên cạnh các chương trình học chính khoá, ngoại khoá trong nhà trường, TS. Nhan Cẩm Trí Trí đề cao tinh thần tự học, khuyến khích sinh viên cần chủ động học tập, nghiên cứu để làm chủ các công nghệ này.
Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chia sẻ quan điểm rằng Blockchain và AI không chỉ là những công nghệ xu hướng, mà đã trở thành yếu tố thiết yếu giúp thế hệ trẻ phát triển và thích ứng với nền kinh tế số. Việc làm chủ Blockchain và AI sẽ mang lại nhiều lợi thế cho lực lượng lao động trẻ trong bối cảnh thị trường lao động đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành này.
Để hiện thực hoá cơ hội nghề nghiệp mới cho các bạn sinh viên UEF, ngay ở phần đầu chương trình, Viện ABAII và các đối tác chiến lược là Công ty Cổ phần AlphaTrue, Quỹ khởi nghiệp Blockchain K300 Ventures, Công ty TNHH HoldStation và Công ty TNHH Haminh Initiatives đã ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM (UEF). Việc hợp tác này đánh dấu mối quan hệ hợp tác bền chặt trong việc tăng cường đào tạo và cung cấp các chương trình chuyên sâu về Blockchain và AI, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp thực tế cho sinh viên.
Tại sự kiện, ông Lê Anh Quốc, Giám đốc Vận hành CTCP AlphaTrue, chia sẻ những con số ấn tượng về sự phát triển của thị trường tài sản mã hoá tại Việt Nam. Cụ thể, theo báo cáo của Chainalysis, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về chỉ số chấp nhận tài sản mã hoá, với hơn 105 tỷ USD dòng vốn từ thị trường Blockchain đổ vào nước ta trong giai đoạn 2023-2024. Hơn 85% người làm nghề tự do tại Việt Nam sở hữu tài sản mã hoá, trong đó 34% đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng loại tài sản này. Đây là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ tài chính hiện đại tại Việt Nam.
Đặc biệt, với sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành blockchain sau khi Chiến lược Blockchain Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công bố vào ngày 22/10/2024, thị trường này được đánh giá sẽ còn phát triển mạnh mẽ và bùng nổ hơn bao giờ hết. .
Đối với ngành AI, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII, chỉ ra tình trạng thiếu hụt nhân lực AI đang là vấn đề cấp bách trong nhiều ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng. Theo báo cáo mới nhất từ Statista, 75% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng chuyên gia AI đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực. Trong đó, 32% tổ chức tài chính coi việc thiếu nhân tài AI là một rào cản lớn để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Các số liệu này cho thấy nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngành Blockchain và AI trong đang rất lớn, đồng nghĩa với cơ hội nghề nghiệp dành cho các bạn sinh viên cũng đang rộng mở hơn bao giờ hết. Để nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, sinh viên và các bạn trẻ cần chủ động học tập, nâng cao năng lực và kỹ năng của bản thân để đón đầu xu hướng nghề nghiệp mới. Đặc biệt, trong bối cảnh Blockchain và AI chưa được đưa vào chương trình học chính thức của các trường Phổ thông, Đại học như hiện nay, việc tự nghiên cứu, tìm hiểu thông tin qua các kênh học tập trực tuyến là vô cùng cần thiết.
Trong số đó, đáng kể nhất là MasterTeck, nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) đầu tiên theo Chiến lược Blockchain Quốc gia, cung cấp hơn 300 khóa học chuyên sâu về Blockchain và AI, nhắm đến các nghề nghiệp có nhu cầu cao như kỹ sư AI, nhà phát triển Blockchain và các ngành công nghệ khác. Được phát triển bởi Viện ABAII và có sự kết hợp với nhiều đối tác uy tín toàn cầu như CompTIA, EC-Council, PECB, bên cạnh các khóa học về công nghệ, MasterTeck còn cung cấp các chương trình đào tạo về Quản trị rủi ro, An ninh mạng, Đạo đức Hacker,… giúp học viên trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho thị trường lao động số.
Trong khuôn khổ ABAII Unitour, đại diện UEF và các chuyên gia cũng đã có buổi trao đổi cởi mở, trả lời nhiều câu hỏi hóc búa và mối quan tâm thực tế của các bạn sinh viên. Chương trình có sự tham dự của Thạc sĩ Dương Thị Viên An (Trưởng ngành Công nghệ tài chính UEF), Ông Hiếu Đỗ (Giám đốc Kinh doanh HoldStation), Bà Lê Vũ Hương Quỳnh (GĐ Phát triển Việt Nam, Tether) và ThS. Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Wischain, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM).
Theo bà Lê Vũ Hương Quỳnh, sự kết hợp giữa Blockchain, AI và các công nghệ tài chính khác sẽ mang lại sự thay đổi toàn diện cho ngành tài chính toàn cầu, tạo ra một sự tăng trưởng bùng nổ chưa từng có. Vì vậy, bà Quỳnh khuyến khích các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Công nghệ tài chính của Đại học UEF đang tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này cần tận dụng tốt cơ hội để xây dựng sự nghiệp vững chắc trong kỷ nguyên số hiện nay.
ABAII Unitour là sáng kiến của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, thành viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhằm phổ cập Blockchain và AI đến cộng đồng sinh viên trên cả nước. Tính đến tháng 11/2024, ABAII Unitour đã tổ chức thành công 17 chương trình tại các trường Đại học uy tín trên cả nước như Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐH Luật TPHCM, Đại học Y dược TPHCM,.. Dự kiến đến năm 2025, chương trình sẽ tổ chức 30 sự kiện, tiếp cận ít nhất 100.000 sinh viên, mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới trong kỷ nguyên số cho lực lượng lao động trẻ của đất nước. |