Generative AI đang mở ra nhiều cơ hội đột phá, từ tự động hóa quy trình đến cải thiện chất lượng dịch vụ, với tiềm năng đóng góp 4.000 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu. Đối với lĩnh vực hành chính công, generative AI giúp cải thiện quy trình hành chính, hỗ trợ ra quyết định và nâng cao trải nghiệm giao tiếp giữa chính quyền và người dân.
Hưởng ứng Tháng Chuyển đổi số Quốc gia, Tuần lễ Chuyển đổi số TPHCM 2024, diễn ra từ ngày 22 – 23/10/2024, đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý và chuyên gia công nghệ, cùng với sự góp mặt của Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Sự kiện có hơn 50 gian hàng trưng bày, 1 phiên toàn thể và 6 phiên hội thảo chuyên đề, nhằm giới thiệu các thành tựu, hệ thống và nền tảng số, thúc đẩy phát triển chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và đô thị thông minh. Đặc biệt, khu vực trải nghiệm công nghệ và giải pháp chuyển đổi số đã thu hút sự tham gia của hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ tiêu biểu.
Tại phiên toàn thể với chủ đề “Công nghệ số – Động lực tăng trưởng mới của TPHCM”, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, một thành viên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị để “Chuyển đổi số thành công với Generative AI”, đặc biệt tại đơn vị hành chính công.
Generative AI (AI tạo sinh) có khả năng sáng tạo các nội dung đa dạng như văn bản, hình ảnh, video và âm thanh mới thông qua việc tổng hợp dữ liệu lớn trước đó. Ông Thành nhận định rằng công nghệ này không chỉ mang đến những cơ hội sáng tạo vô tận mà còn giúp tối ưu hóa quy trình, cải thiện chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển bền vững cho các ngành kinh tế, xã hội.
Trong lĩnh vực hành chính công, tại Hoa Kỳ, AI đã giúp tự động hóa các quy trình hành chính, giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu suất. Tại Việt Nam, ông Đào Trung Thành cho rằng Generative AI đã và đang được triển khai trong các dịch vụ công, cải thiện quy trình hành chính, hỗ trợ ra quyết định và nâng cao trải nghiệm giao tiếp giữa chính quyền và người dân. Tuy nhiên, ứng dụng của Generative AI trong hành chính công còn chưa nhiều, chưa tối ưu được quy trình và hiệu suất lao động.
“Generative AI mang đến nhiều cơ hội trong việc cải cách hành chính công, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Trong tương lai, việc tích hợp AI sâu hơn vào các quy trình quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu thông minh sẽ giúp tối ưu hoá hiệu suất và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Để đảm bảo hiệu quả ứng dụng AI trong hành chính công, các cơ quan quản lý cần ưu tiên xây dựng hạ tầng công nghệ số, Tích hợp AI vào quy trình quản lý,Đảm bảo an ninh và quyền riêng tư, Tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng, Thúc đẩy hợp tác công – tư, Đo lường hiệu quả và cải tiến liên tục”, ông Đào Trung Thành khuyến nghị.
Trước đó, Viện ABAII đã tích cực tham gia vào các chương trình chuyển đổi số tại các tỉnh Kon Tum và Quảng Bình, trực tiếp giảng dạy ứng dụng AI trong quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công, nâng cao tính minh bạch và tiện lợi cho người dân tại các tỉnh thành phố này.
Cũng tại Ngày hội Chuyển đổi số TPHCM, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Chuyển đổi số Viện ABAII đã chia sẻ những ứng dụng thực tế của AI bằng 2 ví dụ thực tế là 2 sản phẩm mũi nhọn của Viện là MasterTeck (nền tảng học trực tuyến về Blockchain và AI) và AI Tra Cứu Luật (trợ lý pháp luật ảo đầu tiên tại Việt Nam).
Trong đó, MasterTeck là nền tảng học trực tuyến Blockchain và AI hàng đầu Việt Nam do Viện ABAII, một thành viên của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), chính thức ra mắt ngày 23/10/2024, hướng tới phổ cập Blockchain và AI cho 1 triệu người dân Việt Nam thông qua việc phát triển các khóa học trực tuyến mở (MOOC).
Được định vị là nền tảng học trực tuyến Blockchain và AI hàng đầu Việt Nam, MasterTeck cung cấp hơn 300 khóa học từ cơ bản đến chuyên sâu, giúp cung cấp kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế cho học viên, đồng thời trao cơ hội kết nối vào mạng lưới và cơ hội nghề nghiệp trong hàng trăm cộng đồng uy tín toàn cầu.
Đặc biệt, sau giai đoạn đầu sử dụng các nguồn học liệu từ các đối tác uy tín toàn cầu như AISG, TU Delft, PCBC, UNIC, MIT, ISTE, PlanB (Tether),… tiến tới, MasterTeck sẽ tập trung vào việc tạo ra những bài giảng chất lượng do chính các chuyên gia Việt Nam phát triển, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam để tự chủ trong việc xây dựng hệ thống giáo dục về Blockchain và AI, phù hợp với nhu cầu trong nước và giảm thiểu rủi ro từ các thông tin không chính xác.
Nền tảng MasterTeck được ABAII và VBA công bố ngay sau khi Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 22/10/2024 tại quyết định số 1236/QĐ-TTg nhằm tiên phong thực hiện các mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực và phát triển thương hiệu “Make in Việt Nam” cho lĩnh vực blockchain mà Chiến lược đã đề ra.
Trong Chiến lược Quốc gia về Blockchain, bên cạnh các Bộ, Ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp được giao chủ trì phát triển các nền tảng Blockchain Make in Việt Nam; Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng blockchain hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam; Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.Bên cạnh MasterTeck, AI Tra Cứu Luật là dự án của Viện ABAII, hợp tác với DecomStars và Công ty Luật Nam Hà, với hơn 145.000 văn bản pháp luật được cập nhật liên tục theo thời gian thực. Ứng dụng nổi bật nhờ khả năng hỏi đáp tự động dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), giúp người dùng tra cứu pháp lý nhanh chóng, chính xác, và tiết kiệm đến 80% thời gian.