Hội thảo chủ đề “Bức tranh AI toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên” trong khuôn khổ chương trình Unitour 6 đã diễn ra tại Đại học FPT Cần Thơ ngày 18/5/2024, bổ sung thêm góc nhìn toàn cảnh cho gần 500 bạn sinh viên về sự phát triển và ứng dụng của AI, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực này cho các bạn.

Hội thảo “Bức tranh AI toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên” được tổ chức tại Đại học FPT Cần Thơ.

Ngày 18/5/2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII phối hợp cùng Đại học FPT Cần Thơ tổ chức hội thảo chủ đề “Bức tranh AI toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên” với gần 500 sinh viên tham dự.

Unitour 6 tại Hội trường ALPHA, Đại học FPT Cần Thơ với sự tham gia của gần 500 sinh viên.

Tại sự kiện, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII đã có bài chia sẻ và phân tích “Làn sóng mới của Trí tuệ Nhân tạo – Thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc như nào”. 

Ông Thành chia sẻ: “Không thể phủ nhận lợi ích to lớn của AI trong khả năng hỗ trợ con người ở nhiều lĩnh vực. Theo báo cáo của PwC, AI có tiềm năng đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Cụ thể, AI giúp tự động hóa các quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động lên tới 40%, đồng thời tạo ra các công cụ hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn với tỷ lệ chẩn đoán ung thư có thể lên tới 90%, cao hơn 10% so với của bác sĩ”. 

Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII chia sẻ quan điểm về chủ đề “AI đang thay đổi thế giới như thế nào?”

Tuy nhiên ông Thành cũng nhấn mạnh rằng AI có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu con người không sử dụng chúng đúng cách: “Bằng chứng là theo diễn đàn Kinh tế Thế giới, AI có thể thay thế 85 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2025. Nguy cơ mất việc làm do tự động hóa là mối lo ngại lớn, đặc biệt là với những ngành nghề có tính chất lặp đi lặp lại. Hơn nữa, sự phát triển vượt bậc của AI cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề đạo đức, an ninh mạng, và quyền riêng tư. Ví dụ, công nghệ Deepfake có thể tạo ra video giả mạo cực kỳ chân thật, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch và thao túng dư luận”.

Nối tiếp phần trình bày của ông Đào Trung Thành, ông Hàng Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI (AIIC) chia sẻ quan điểm về cách ứng dụng AI như một trợ lý học tập đắc lực cho sinh viên. 

Ông Hàng Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI nhấn mạnh lợi ích thực tế của AI đối với sinh viên trong quá trình học tập nghiên cứu.

“Hiện nay ChatGPT hay các công cụ AI khác như Google Scholar hỗ trợ rất nhiều cho quá trình học tập và nghiên cứu của sinh viên. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào AI có thể kìm hãm sự sáng tạo và tư duy phản biện của các bạn. Bên cạnh đó, nguy cơ gian lận học thuật cũng gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tác giả và sở hữu trí tuệ khi AI có thể được sử dụng để viết luận văn hay giải hộ bài tập. Do đó, việc ứng dụng AI trong giáo dục cần đi kèm với việc giáo dục đạo đức, giúp sinh viên sử dụng AI một cách có trách nhiệm, biết chọn lọc thông tin và phát triển khả năng tư duy độc lập.”

Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc FPT AI Quy Nhơn chia sẻ về cơ hội việc làm cho sinh viên trong lĩnh vực AI.

Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc FPT AI Quy Nhơn cũng có phần trình bày về cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên trong lĩnh vực AI. Theo ông Chiên, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến AI đã tăng 74% mỗi năm trong 5 năm qua. Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, toán học, thống kê, hay kỹ thuật phần mềm có lợi thế lớn trong việc tiếp cận những công việc như kỹ sư AI, nhà khoa học dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên phát triển thuật toán… với mức lương trung bình cao hơn 30% so với các ngành nghề khác. Đối với sinh viên Đại học FPT, một trong những môi trường đi đầu về công nghệ thì đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đặt ra đối với con đường sự nghiệp của các bạn sinh viên sau khi ra trường.

Hội thảo nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thầy cô giáo và sinh viên Đại học FPT Cần Thơ.

Kết thúc chương trình là phần thảo luận và giải đáp thắc mắc của các diễn giả xoay quanh câu hỏi liệu cơ hội nghề nghiệp trong ngành Blockchain và AI có dành cho tất cả mọi người? 

Phần thảo luận của các diễn giả và khách mời về chủ đề “Cơ hội nghề nghiệp trong ngành Blockchain & AI có dành cho tất cả mọi người?”

Đại diện của ICP Hub Việt Nam, ông Hùng Nguyễn, khách mời đặc biệt trong phần thảo luận này đã chia sẻ: “Mặc dù ngành Blockchain và AI đang bùng nổ, tuy nhiên cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này vẫn vấp phải nhiều hạn chế do sự thiếu hụt kiến thức và kĩ năng của người lao động. Theo báo cáo của LinkedIn, chỉ 2% lực lượng lao động toàn cầu sở hữu kỹ năng blockchain, và 1% có kỹ năng AI. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng trong ngành, đồng thời thể hiện sự cần thiết phải tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo để mở rộng cơ hội cho nhiều người hơn, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ”.

Sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự ủng hộ của các bạn sinh viên Đại học FPT Cần Thơ. Trong khuôn khổ diễn ra chương trình, rất nhiều phần quà có giá trị tri thức đã được trao tặng tới các bạn sinh viên.

Các bạn sinh viên Đại học FPT Cần Thơ chăm chú lắng nghe phần chia sẻ của các diễn giả.

Hội thảo là hoạt động thứ 6 trong chuỗi chương trình Unitour 2024 của Viện ABAII dự kiến sẽ tổ chức tại 30 trường Đại học trên khắp Việt Nam nhằm phổ cập Blockchain và AI tới 100.000 sinh viên và trao 1.000 suất học bổng cho các sinh viên có niềm đam mê với hai lĩnh vực này.

Chương trình có sự tham gia, đồng hành hỗ trợ, chia sẻ thông tin, báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo FPT AI Quy Nhơn cùng các doanh nghiệp như Onus Chain, Holdstation, DecomStar, Vino, AC Communications, SHE Blockchain và Internet Computer Protocol (ICP).

Xem thêm video về Hội thảo “Bức tranh AI toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên” tại Đại học FPT Cần Thơ

Đọc thêm về Hội thảo “Cơ hội và thách thức xung quanh những tiến bộ của AI và Blockchain” tại Học viện Bưu chính Viễn thông

viVietnamese